LOADING...

Siêu máy tính mới mạnh nhất thế giới được Trung Quốc nghiên cứu, có tốc độ xử lý “tương đương bộ não con người”.

Các nhà nghiên cứu Trung Quốc cho biết cỗ máy Sunway mới nhất của họ sánh ngang với Frontier, siêu máy tính của của Mỹ được mệnh danh là mạnh nhất thế giới chỉ vài tuần trước đó.

Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết một siêu máy tính mới của họ nhanh đến mức nó đã chạy thành công một mô hình trí tuệ nhân tạo tinh vi như não người.

Thành tựu này được thực hiện trên siêu máy tính Sunway thế hệ mới nhất, thứ được cho là ngang hàng với Frontier, cỗ máy do Bộ Năng lượng Hoa Kỳ chế tạo và hồi đầu tháng này đã được mệnh danh là mạnh nhất thế giới.

Nhóm nghiên cứu Trung Quốc đã sử dụng Sunway để đào tạo một mô hình AI được gọi là bagualu – có nghĩa là “cái nồi của nhà giả kim” – với thông số 174 nghìn tỷ, con số tương đương với số khớp thần kinh trong não người. Khớp thần kinh chính là đoạn kết nối giữa các tế bào thần kinh.

Khả năng ứng dụng của mô hình AI này vô cùng đa dạng, bao gồm các phương tiện tự hành và nhận dạng khuôn mặt, cũng như xử lý ngôn ngữ tự nhiên, thị giác máy tính, khoa học đời sống và hóa học.

Kết quả trên đã được trình bày tại cuộc họp ảo về Nguyên tắc và Thực hành của Lập trình Song song 2022 (Principles and Practice of Parallel Programming 2022), một hội nghị quốc tế do Hiệp hội Máy tính (ACM) tổ chức vào tháng Tư vừa qua. Một thành viên của nhóm nghiên cứu đã xác nhận tính xác thực của bài thuyết trình vào tháng 6, nhưng yêu cầu giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.

Theo các nhà nghiên cứu, Sunway phiên bản mới này có thể xử lý một tỷ tỷ hoạt động mỗi giây, với hơn 37 triệu lõi CPU – nhiều gấp bốn lần so với Frontier. Bên cạnh đó, nó có 9 petabyte bộ nhớ – tương đương với hơn hai triệu DVD phim chất lượng cao – và 96.000 hệ thống máy tính bán độc lập được gọi là nút, giống như một bộ não mạnh mẽ của con người. Một nhà nghiên cứu cho biết khả năng tính toán song song của máy bắt chước suy nghĩ của con người “như vừa ăn vừa xem tivi”.

Bằng cách kết hợp các công nghệ quan trọng như tối ưu hóa nút nội bộ cụ thể cho phần cứng và các chiến lược song song kết hợp ở quy mô chưa từng thấy trước đây, các nhà khoa học Trung Quốc cho biết họ đã đạt được “hiệu suất tốt” từ mô hình AI “quy mô não” chưa từng có.

Giống như phiên bản tiền nhiệm Sunway TaihuLight, siêu máy tính mới sử dụng chip được thiết kế nội bộ với các tính năng độc đáo như tiết kiệm năng lượng và băng thông rộng.

TaihuLight trước đó được phát triển bởi Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia về Công nghệ và Kỹ thuật Máy tính Song song ở Vô Tích, phía đông tỉnh Giang Tô, đã đứng đầu trong danh sách Top500 siêu máy tính từ năm 2016 đến 2018.

Tuy nhiên, vấn đề là danh sách xếp hạng 500 hệ thống máy tính mạnh nhất thế giới không nhận được bất kỳ dữ liệu về hiệu suất nào của Trung Quốc trong những năm gần đây. Không rõ tại sao Trung Quốc, quốc gia có 173 siêu máy tính trong bảng xếp hạng – nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác – lại ngừng đóng góp vào việc tổng hợp dữ liệu của mình.

Một số chuyên gia trong ngành nghi ngờ chính quyền Trung Quốc có thể muốn giữ lại các thông tin quan trọng để tránh kích động thêm các lệnh trừng phạt đơn phương từ Mỹ.

Trung Quốc đã và đang phát triển ba siêu máy tính exascale – có khả năng thực hiện ít nhất một exaflop phép tính mỗi giây – kể từ năm 2016. Người ta cũng tin rằng những chiếc máy này sẽ đạt mức hiệu suất tương tự như Sunway mới được hé lộ.

Theo một bài đăng trên mạng xã hội vào tháng 11 của một người được dùng Sunway tại Zhejiang Lab ở Hàng Châu, miền đông Trung Quốc, siêu máy tính mới đã đạt được tốc độ 4,4 exaflop. Không có thêm chi tiết nào được đưa ra.

Các siêu máy tính của Trung Quốc từng bị một số nhà phê bình coi là những dự án viển vông, với các ứng dụng hạn chế trong nghiên cứu học thuật hoặc công nghiệp. Nhưng tình hình đã thay đổi đáng kể ở thời điểm hiện tại. Nhiều nhà nghiên cứu đã sử dụng siêu máy tính Tianhe thế hệ mới tại Trung tâm Siêu máy tính Quốc gia Thiên Tân của Trung Quốc để sàng lọc và phát hiện nhanh chóng các loại dược phẩm chống lại coronavirus.

Và các ứng dụng của Trung Quốc về mô hình động lực học khí quyển, động đất và mạch lượng tử đã nhiều lần giành được giải thưởng Gordon Bell của ACM – còn được gọi là giải Nobel của các máy tính hiệu suất cao – trong những năm gần đây.

Tham khảo SCMP