LOADING...

Posts Tagged "day nguoi"

8Th1

Kéo thêm dây trung tính về công tắc và các lưu ý quan trọng

by Ngoc Tu

Công tắc smarthome và một số sản phẩm smarthome khác, thông thường yêu cầu nguồn điện lưới bao gồm cả dây pha lẫn trung tính để cấp nguồn cho phần mạch điện tử, loại trừ loại công tắc 1 dây (hay công tắc không dây trung tính).

Tuy nhiên trong một số sơ đồ đi dây điện trong căn hộ hiện nay, để tối ưu chi phí vật tư, đường dây điện đi vào hộp âm công tắc thường chỉ gồm dây pha nguồn và dây pha tải. Để sử dụng được công tắc hai dây, người ta phải đi thêm dây trung tính nguồn qua một số cách sau đây:

  • Kéo trung tính từ ổ cắm gần nhất.
  • Kéo trung tính từ bóng điện (tải) gần nhất
  • Hi sinh 1 bóng điện (tải) để lấy trung tính.

Xem thêm bài viết về công tắc không trung tính

Hi sinh 1 bóng điện (tải) để lấy trung tính. Giải thích thêm về phương pháp này, đây là phương pháp bỏ sử dụng 1 tải, nối tắt 2 đầu tải và dây pha tải đó sẽ trở thành dây trung tính nguồn. Cần lưu ý màu dây điện sau khi đổi vai trò, dây pha trước kia trở thành dây trung tính, rất dễ gây nhầm lẫn trong quá trình sửa chữa điện sau này.

Các phương pháp kéo dây trên đều chỉ nhằm mục đích lấy trung tính nguồn về công tắc, tuy nhiên trong mạng điện trong nhà hiện nay, bằng việc trang bị các thiết bị bảo vệ chống giật, chống dòng rò, nguồn điện ưu tiên và dự phòng, việc đi dây có thể không thành công và rất dễ để lại hậu quả khó lường, chúng ta cùng đi phân tích trong phần tiếp theo.

Mạng có trang bị Aptomat chống giật

Aptomat chống giật còn có tên gọi khác là Át chống giật, CB chống giật, Aptomat chống dòng rò, Cầu dao chống dòng rò… Cũng tương tự như Aptomat thường, Aptomat chống giật có các loại sau:

  • Aptomat chống giật dạng tép RCCB (Residual Current Circuit Breaker).
  • Aptomat chống giật dạng tép có bảo vệ quá tải RCBO (Residual Circuit Breaker with Overcurrent protection).
  • Aptomat chống giật dạng khối có bảo vệ quá tải ELCB (Earth Leakage Circuit Breaker).

Aptomat chống giật có chức năng ngắt điện khi có dòng điện rò xuống đất hay có người bị điện giật. Ngoài ra Aptomat chống giật ELCB, RCBO còn có chức năng bảo vệ quá tải tương tự như aptomat thường. Trong khi đó RCCB chỉ có chức năng chống dòng rò, cần phải kết hợp với MCB để bảo vệ quá tải. RCCB + MCB = RCBO.

Chức năng của Aptomat chống giật:

  • Aptomat chống giật 1 pha: nó so sánh dòng điện chạy qua 2 dây pha và trung tính, nếu dòng điện này khác nhau quá một ngưỡng rò nhất định thì nó sẽ ngắt điện khỏi tải, không cho tải làm việc nữa. Nhà sản xuất thường thiết kế các ngưỡng rò 15mA, 30mA, 100mA, 200mA, 300mA, 500mA.
  • Aptomat chống giật 3 pha: nó so sánh dòng điện chạy qua 3 dây pha và dây trung tính, nếu dòng điện này khác nhau quá một ngưỡng rò nhất định thì nó ngắt.

Tủ điện trong nhà có nhiệm vụ bảo vệ mỗi khi có sự cố và phân phối điện tới từng kênh phụ tải ( khu vực trong nhà) . Các kênh phụ tải được phân chia theo chức năng và khu vực, hình dưới đây là một ví dụ mô tả việc phân chia kênh phụ tải trong nhà.

Mô tả phân chia kênh phụ tải trong nhà

Một ví dụ kéo dây trung tính từ mạng có ELCB

Giả sử đầu nguồn các kênh phụ tải được trang bị ELCB, điều gì sẽ xảy ra nếu tại ví trí công tắc nhóm 2, ta lấy trung tính nguồn từ vị trí ổ điện số nhóm 1, hoặc bóng đèn số 1. ELCB tại nhóm 1 và 2 lập tức bảo vệ khi ta cấp nguồn cho mạng điện.

Kéo trung tính khác kênh phụ tải

Giải thích : Khi cấp điện nguồn cho mạng điện, tại vị trí công tắc nhóm 1 sinh ra dòng tiêu thụ không tải trên công tắc này, đây là dòng tiêu thụ để nuôi phần mạch điện tử. Dòng điện qua dây pha của nhóm 1, trả về nguồn qua dây trung tính của nhóm 2. Vì dòng điện qua dây pha và trung tính các kênh 1 và 2 không tương ứng bằng nhau, ELCB nhóm 1 và 2 lập tức ngắt điện.

Kết luận : Trong mạng điện có aptomat chống giật thì bắt buộc phải lấy dây trung tính từ nguồn cùng kênh.

Nếu mạng không trang bị aptomat chống giật, việc lấy trung tính từ nguồn không cùng kênh sẽ vẫn hoạt động được bình thường, tuy nhiên làm thay đổi thiết kế phân phối nguồn ban đầu, cung cấp nguồn tới các kênh không hoàn toàn tách biệt.

Mạng có trang bị nguồn ưu tiên hay nguồn dự phòng.

Trong thiết kế điện của các căn hộ thuộc chung cư cao cấp hoặc tầm trung trở lên, bao giờ cũng được trang bị nguồn điện ưu tiên hay còn có tên gọi khác là nguồn điện dự phòng hay nguồn backup.

Nguồn điện ưu tiên là nguồn điện được nhà thầu thiết kế của toà nhà đảm bảo luôn được cấp điện 24/24 ngay cả khi hệ thống điện có sự cố. Khi hệ thống điện lưới ổn định, nguồn này sử dụng điện lưới, khi điện lưới có sự cố, nguồn này sử dụng điện từ máy phát của toà nhà. Trong căn hộ thông thường chỉ gồm một số thiết bị quan trọng sử dụng nguồn này, và một số đèn chiếu sáng chính và một đến hai ổ cắm để dự phòng. Thiết bị dùng để chuyển nguồn ưu tiên từ sử dụng điện lưới sang máy phát gọi là thiết bị chuyển đổi nguồn tự động ATS ( automatic transfer switch).

Một ví dụ về kéo dây trung tính trong mạng có nguồn Backup

Giả sử tại vị trí công tắc ưu tiên nhóm số 3, ta đi dây trung tính từ vị trí ổ cắm nhóm 2 hoặc bóng điện nhóm 2

Kéo trung tính khác kênh phụ tải

Mạng sẽ vẫn hoạt động bình thường khi lưới điện ổn định, nhưng khi lưới điện có sự cố, ATS đổi nguồn ưu tiên từ điện lưới sang dùng máy phát, vị trí công tắc ưu tiên 3 dùng dây pha máy phát và dây trung tính của điện lưới, hiển nhiên công tắc không hoạt động được và sự cố phía lưới có thể lan sang mạng điện phía máy phát.

Nếu mạng điện có trang bị aptomat chống giật, hiển nhiên aptomat sẽ bảo vệ ngay khi cấp điện cho lưới (như phần 1).

Kết luận : Nếu mạng điện trang bị nguồn ưu tiên thì bắt buộc phải lấy trung tính từ nguồn cùng kênh.

Việc lấy dây trung tính phục vụ cấp nguồn cho công tắc bắt buộc phải lấy trung tính từ nguồn cùng kênh với công tắc hiện tại. Việc đi dây sai có thể vẫn làm cho mạng điện hoạt động bình thường nhưng có thể để lại hậu quả khi mạng điện có sự cố, khó kiểm soát khi sửa chữa điện.