Độ bền là một thông số kỹ thuật quan trọng khi chọn SSD, không chỉ riêng những SSD cao cấp cho máy chủ doanh nghiệp, hệ thống lưu trữ lớn, mà nó cũng quan trọng trong việc lựa chọn SSD cho nhu cầu sử dụng cá nhân. Việc lựa chọn đúng độ bền SSD phù hợp với mục đích sử dụng sẽ giúp đảm bảo SSD hoạt động ổn định và tuổi thọ lâu hơn.
Độ bền của SSD sẽ dựa trên chu kỳ ghi xóa dữ liệu trên các ô nhớ. Khác với HDD, lưu trữ các bit dữ liệu bằng từ tính, sẽ không bị hao mòn theo thời gian, SSD sử dụng điện để lưu trữ dữ liệu, do đó khi dữ liệu mới được ghi vào SSD, nó sẽ phải xóa dữ liệu cũ, quá trình ghi xóa sẽ làm hao mòn các lớp tích điện, từ đó khả năng lưu trữ của SSD sẽ giảm dần theo thời gian và tuổi thọ của SSD cũng giảm theo
Thông số về độ bền của SSD thường sẽ được ghi là TBW viết tắt của TeraByte Written hoặc PBW (Petabyte Written), tổng dung lượng dữ liệu được ghi vào SSD, số này sẽ được tính trong một khoảng thời gian cụ thể (ví dụ 3 năm, 5 năm,…), thường sẽ dựa vào số năm bảo hành của sản phẩm.
Các hãng sản xuất SSD đã tính toán tổng dung lượng ghi tối đa TBW dựa trên nhu cầu ghi dữ liệu lên SSD hằng ngày của người dùng, từ đó phân loại SSD theo từng mục đích sử dụng khác nhau. Từ thông số TBW được cung cấp, bạn có thể tính được tổng dung lượng ghi vào SSD mỗi ngày dựa vào công thức sau:
TBW = DWPD * Số năm bảo hành * 365 ngày * Dung lượng ổ cứng (TB)
PBW = TBW / 1000 (PB)
Trong đó DWPD hoặc DW/D (Drive Writes per Day) là số lần SSD ghi hết dung lượng của nó mỗi ngày
Ví dụ: Ổ SSD Ultrastar SN840 có dung lượng là 15.36TB và có độ bền là 1 DWPD thì có nghĩa là nó sẽ phù hợp với các ứng dụng và hệ thống có tổng dung lượng dữ liệu ghi vào nó mỗi ngày là 15.36TB, và tổng dung lượng dữ liệu ghi vào SSD trong suốt 5 năm bảo hành sẽ là:
DWPD * 356 ngày * 5 năm * Dung lượng SSD (TB) = 1 * 365 * 5 * 15.36 = 28,032 (TBW) = 28 (PBW)
Vậy làm thế nào để lựa chọn độ bền của SSD để tối ưu tổng chi phí sở hữu (TCO) nhất. Đặc biệt là đối với các SSD cao cấp dành cho doanh nghiệp, các dự án lưu trữ lớn, thì tổng chi phí sở hữu (TCO) được xem là một yếu quan trọng để đưa ra quyết định lựa chọn sản phẩm.
Tổng chi phí sở hữu (TCO) là chi phí đầu tư ban đầu của một hệ thống cộng với chi phí vận hành. Về tổng chi phí sở hữu, khi lựa chọn giữa các thiết bị thay thế, chúng ta không chỉ nên xem xét giá mua mà còn cả chi phí vận hành, bảo trì phát sinh trong dài hạn. Thiết bị có tổng chi phí sở hữu (TCO) thấp hơn có giá trị cao hơn về lâu dài.
Đối với các SSD dành cho máy chủ, hoạt động liên tục 24/7 và với cường độ cao, chúng được phân loại chi tiết hơn về khối lượng công việc cho từng mục đích sử dụng cụ thể, bao gồm: chuyên đọc, chuyên ghi và hỗn hợp (đọc và ghi).
Đối với các ứng dụng và khối lượng công việc cần đọc dữ liệu nhiều như: lưu trữ đệm (caching), mạng phân phối nội dung (CDN), thường dùng các SSD chuyên về đọc dữ liệu và có độ bền thấp hơn
Đối với các mục đích sử dụng đọc/ghi hỗn hợp hoặc chuyên ghi dữ liệu như: cơ sỡ dữ liệu SQL, lưu trữ camera giám sát thông minh. Các SSD có độ bền cao sẽ là lựa chọn phù hợp nhất
Làm thế nào để so sánh độ bền giữa các SSD để có sự lựa chọn phù hợp, tối ưu chi phí sở hữu (TCO) nhất? Bên dưới là một ví dụ so sánh giữa ổ SSD Western Digital Ultrastar SN640 và một SSD khác trong cùng phân khúc
SSD Ultrastar SN640 NVMe™ có chỉ số DW/D = 0.8 và có thời gian bảo hành 5 năm, và SSD khác cùng phân khúc có chỉ số DW/D cao hơn và thời gian bảo hành 3 năm ngắn hơn. Mặc dù chỉ số DW/D thấp hơn, nhưng tổng dung lượng dữ liệu có thể ghi vào SSD Ultrastar SN640 lại nhiều hơn và được hưởng thời gian bảo hành dài hơn.
Điều quan trọng là chúng ta nên hiểu rõ các yêu cầu về độ bền của hệ thống và hiểu các thông số kỹ thuật của SSD để đưa ra lựa chọn tối ưu. Chi phí đầu tư chỉ là một phần của TCO, thực tế chúng ta cần tính đến chi phí thay thế các ổ SSD, trong trường hợp hỏng hóc, chi phí vận hành, chẳng hạn như chi phí nhân công để lắp đặt và chi phí liên quan đến thời gian ngừng hoạt động của hệ thống trong quá trình thay thế. Do đó một SSD với chi phí thấp ban đầu, có vẻ tiết kiệm hơn nhưng về lâu dài nó sẽ đắt hơn khi cộng các chi phí này lại.
Đối với môi trường luôn vận hành với cường độ cao, tải lượng công việc lớn của doanh nghiệp, việc thay thế SSD thường xuyên có thể làm tăng tổng chi phí sở hữu (TCO) và làm gián đoạn ứng dụng hoặc hệ thống, đó là một vấn đề nghiêm trọng.
Thông số PBW và thời gian bảo hành là 2 thông tin quan trọng trong việc lựa chọn SSD có độ bền phù hợp với mục đích sử dụng, giúp tiết kiệm chi phí. Thông số này có ý nghĩa:
– Xác định được bao nhiêu dung lượng dữ liệu có thể ghi vào SSD trong suốt thời gian bảo hành.
– Thời gian ổ SSD vận hành ổn định trước khi cần được thay thế.
Link gốc: https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/congnghe/143-422-6-do-ben-ssd-lua-chon-nao-toi-uu-chi-phi-tong-so-huu-tco-ylt559502.html